Khi thời tiết giao mùa, những người có hệ miễn dịch yếu hoặc sợ lạnh sẽ thường xuyên mắc các bệnh như cảm mạo hay ho. Tuy chỉ là những căn bệnh thông thường nhưng nếu không được điều trị đúng cách sẽ ảnh hưởng lâu dài đến cơ thể và có thể biến chứng thành mãn tính. Trong Đông y cũng có nhiều bài thuốc giúp chữa cảm mạo, phong hàn hay ho nhanh chóng mà không cần bỏ ra nhiều chi phí. Việc sử dụng các phương thuốc Đông y để chữa bệnh cũng giúp cho cơ thể được giải nhiệt, giảm bớt mệt mỏi căng thẳng và trở nên khỏe mạnh hơn. Nếu bạn đang mắc cảm cúm hay ho trong thời tiết giao mùa này thì hãy học ngay những phương thuốc Đông y dưới đây, thực hiện đúng theo công thức để nhanh khỏi nhé!
Cảm mạo, ho thường xảy ra khi thời tiết lạnh
Mùa lạnh khiến nhiều người dễ mắc cảm mạo phong hàn, viêm khí quản, đau các khớp, ho… nhất là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính. Do vậy, việc ăn uống, dưỡng sinh và phòng trị bệnh vừa phải bổ âm lại phải chú ý bổ dưỡng.
Theo y học cổ truyền, cảm lạnh rất dễ xảy ra khi thời tiết thay đổi đột ngột, mưa dầm, mặc quần áo ẩm ướt lâu… Nếu không can thiệp kịp thời hay sử dụng sai phương pháp chữa bệnh có thể gây viêm phổi. Do vậy, việc ăn uống, dưỡng sinh và phòng trị bệnh vừa phải bổ âm lại phải chú ý bổ dưỡng như sau:
Chữa bệnh cảm mạo, phong hàn, giúp hết ho
Có thể áp dụng bài thuốc sau: Bối mẫu 6g, trứng gà 1 quả. Bối mẫu sao vàng (sấy khô) tán thành bột mịn. Cách chế biến: Khoét một lỗ đầu trứng gà cho vào 6g bột bối mẫu, dùng giấy dán bít lỗ lại. Đặt trứng vào bát cố định đầu lỗ ở phía trên, chưng cách thủy 15 phút. Ngày ăn 1 quả, một liệu trình là 10 ngày.
Chữa các triệu chứng nôn, đau đầu, ra mồ hôi
Có thể dùng bài thuốc: Gạo tẻ 60g, gừng tươi 20g, hành củ tươi 30g, muối ăn 5g. Cách chế biến: Gạo vo sạch cho nước vừa đủ hầm nhừ thành cháo. Hành rửa sạch thái nhỏ, gừng tươi rửa sạch thái thành hạt nhỏ. Khi cháo chín cho hành, gừng, muối vào khuấy đều ăn lúc nóng.
Chữa các triệu chứng phát nhiệt, sợ lạnh, mệt mỏi khó chịu
Theo Đông y, có thể dùng bài thuốc: Hoắc hương 20g, gừng tươi 15g, đường đỏ vừa đủ. Cách chế biến: Hoắc hương rửa sạch, thái ngắn, gừng rửa sạch thái mỏng. Cho hoắc hương, gừng tươi vào nồi đổ thêm 300ml nước đun sôi sau 10 phút, gạn lấy nước cho đường vào khuấy tan uống lúc nóng, uống liền 5 ngày.
Nhuận phổi, đẩy lùi ho và viêm họng
Bài thuốc: Nhân hạt bí đao 20g, đường đỏ vừa đủ. Cách chế biến: Nhân hạt bí đao rửa sạch, giã nát. Trộn nhân hạt bí đao đã giã nát với đường đỏ. Khi dùng cho hãm với nước sôi (300ml) chắt lấy nước uống khi còn nóng. Ngày uống 2 lần, uống liên tục từ 7 – 10 ngày.
Triệt tiêu phong hàn, ho kéo dài
Bài thuốc: Nho tươi 100g, chè xanh 10g, gừng tươi 20g, mật ong vừa đủ. Cách chế biến: Nho tươi rửa sạch xay nhuyễn vắt lấy nước. Gừng tươi rửa sạch giã nhuyễn vắt lấy nước, chè xanh rửa sạch pha bằng nước sôi chắt lấy nước. Đổ lẫn nước nho, nước gừng, nước trà và mật ong khuấy đều uống lúc nóng, chia 3 lần trong ngày, uống liên tục 5 ngày.
Tác dụng trị ngoại cảm phong hàn, ho khò khè
Quế chi 10g, đại táo 5 quả, bạch thược 10g, gừng tươi 10g, đường đỏ vừa đủ. Cách chế biến: Rửa sạch các vị trên, cho vào nồi, thêm 500ml nước đun sôi sau 10 phút chắt ra lấy nước cho đường vào quấy tan uống lúc nóng. Dùng liên tục từ 5 – 7 ngày.
Tác dụng của những vị thuốc Đông y
Sử dụng thảo dược của Đông y trong điều trị chứng ho cảm mạo là phương pháp điều trị toàn diện nhằm làm giảm ho, làm dịu và hết ngứa cổ họng, giảm đau rát, dễ khạc đờm, hết nghẹt mũi, giúp thở dễ dàng, làm giảm chứng đau đầu và mệt mỏi. Các phương pháp này giúp người bệnh cảm thấy khỏe khoắn, minh mẫn. Không gây buồn ngủ hay các tác dụng phụ không mong muốn khác.
Theo kinh nghiệm đông y, chứng ho cảm mạo có thể điều trị khỏi nhanh trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, dứt điểm. Thì rất dễ trở thành mãn tính và phải điều trị lâu dài. Hoặc do ăn uống không hợp lý như ăn quá nhiều thức ăn sống, lạnh. Làm suy giảm chức năng của tỳ vị dẫn đến sinh ra nhiều đàm trọc sẽ làm ảnh hưởng chức năng của phế. Mặt khác, ăn quá nhiều thức ăn béo, cay nóng, uống rượu, hút thuốc lá quá nhiều…, dẫn đến cơ thể dễ tích nhiệt, và đàm nhiệt sinh ra sẽ gây tổn thương phế, làm cho chứng ho càng thêm trầm trọng, và bệnh lâu hồi phục.
Nguồn: Yhoccotruyenvn.com